Cơ quan phụ trách Các dự án tương lai (DAPRA) thuộc Lầu Năm góc hy vọng với chương trình Mach 5 Tactical Boost Glide, Mỹ có thể rút ngắn khoảng cách, thậm chí là đuổi kịp Nga trong lĩnh vực công nghệ thiết bị bay siêu thanh.
Đánh giá về vấn đề này, một số chuyên gia quân sự quốc tế, trong đó có ông Oleg Vladykin nhận định, Washington đang thực sự nghiêm túc đầu tư vào công nghệ thiết bị bay siêu thanh, nhưng việc phát triển dòng vũ khí đặc biệt này cần nhiều thời gian và thử nghiệm.
“Trong khi các dự án thiết bị bay siêu thanh của Mỹ mới chỉ ở giai đoạn mô phỏng trên các siêu máy tính, thì người Nga đã cho ra mắt các nguyên mẫu để thử nghiệm và thu được nhiều kinh nghiệm quý giá về dòng vũ khí đặc biệt này”, ông O. Vladykin cho biết.
Chuyên gia quân sự này giải thích, thiết bị bay siêu thanh không chỉ đặc biệt ở khả năng bay với vận tốc gấp nhiều lần tốc độ âm thanh (Mach), mà còn là ở tính chất vật lý đặc biệt của thiết bị khi bay ở tốc độ này.
Khi một vật thể bay vượt qua tốc độ gấp 4 lần tốc độ âm thanh (Mach 4), bên ngoài vật thể bay này sẽ hình thành sự nhiễu loạn vật chất hay plasma hóa. Hiện tượng này diễn ra giống như khi tàu vũ trụ bay vào bầu khí quyển của Trái đất. Điểm đặc biệt khi ở trong “kén plasma” là thiết bị bay sẽ mất hoàn toàn liên lạc với bên ngoài. “Lớp phủ plasma” có tính chất trung hòa về điện tích sẽ không cho sóng ra-đa đi qua hay nói cách khác là thiết bị bay ở trạng thái này sẽ hoạt động ở trạng thái “mù”.
Theo lý thuyết thông thường, để thoát khỏi “kén plasma”, thiết bị bay sẽ phải giảm tốc độ xuống cận âm. Tuy nhiên, ở vận tốc này, nó là dễ dàng bị đánh chặn bởi các tổ hợp phòng thủ tên lửa.
“Mục tiêu chính để phát triển vũ khí bay siêu âm là gì, nếu không phải là việc đưa đầu đạn tới mục tiêu và phá hủy nó nhanh nhất có thể”, ông O. Vladykin nói.
Ông O. Vladykin nhấn mạnh, người Nga đã có phương pháp của mình để khắc phục tình trạng trên. Với công nghệ màng phủ đặc biệt, thiết bị bay ở tốc độ siêu âm, nhưng vẫn có thể sử dụng được sóng ra-đa để dẫn đường và liên lạc. Hiện tại, phía Mỹ cũng phát triển theo hướng này, nhưng chưa đạt được những tiến bộ mang tính đột phá.
Chuyên gia này đánh giá, trong suốt thời gian qua, Lầu Năm góc và các nhà thầu quân sự Mỹ đã đi sai hướng khi cố gắng vừa phát triển thiết bị bay siêu thanh có khả năng tàng hình, lại vừa phát triển vũ khí có tính răn đe với Nga.
Theo lời ông O. Vladykin, vài thập niên qua, công nghệ tên lửa vũ trụ của Mỹ đang dậm chân tại chỗ. Mỹ đang cố gắng phát triển công nghệ tên lửa sử dụng nhiều lần Falcon, nhưng những vụ phóng thử thất bại gần đây đã chứng minh, công nghệ này không có độ tin cậy cao. Hiện tại, toàn bộ việc tiếp vận cho trạm không gian quốc tế ISS đều do các tàu vũ trụ Soyz của Nga đảm nhiệm.
“Ở lĩnh vực vũ khí siêu thanh, Nga và Mỹ thực sự đang trong cuộc chạy đua, nơi mà hai đối thủ đang đuổi bắt nhau theo đúng nghĩa đen là phát triển “kiếm” và “khiên” có tốc độ bay gấp nhiều lần tốc độ âm thanh”, ông O. Vladykin đánh giá.