Mãn nguyện vì có nhau trong đời
Ngày thường, trời yên biển lặng, ra đảo Hòn Tre cứ như đi du ngoạn sinh thái. Nhưng khi mưa bão, giao thông cách trở, đảo bỗng như xa tít tắp. Ra đảo lần này, chúng tôi đến với những người lính thuộc Trung đội vận tải thủy (Đại đội 90, Bộ CHQS tỉnh Khánh Hòa) và nghe kể về những mối tình của họ. Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Xuân Cương, nhân viên lái tàu, đến nay đã có 18 năm gắn bó với Hòn Tre. Công tác ở đảo từ tháng 9/1998 khi còn mang quân hàm hạ sĩ và “cắm chốt” đến tận bây giờ. Thân thiết với vùng đất này đến độ, anh thuộc lòng từng con dốc, hàng cây, mái nhà, ghe thuyền, gương mặt những người dân chài dãi dầu sóng gió…
Tôi theo anh Cương đi câu khi phát hiện người lính này là một tay sát mực có tiếng. Quả vậy, chỉ cần một cuộn dây cước dài, gắn vào lưỡi câu chùm, với mồi là một con tôm nhựa bằng ngón tay trỏ có màu sắc xanh sặc sỡ, hơn tiếng đồng hồ đi câu, anh có thể mang về cả rổ mực tươi sống đãi đồng đội. Anh chia sẻ: “Khi câu mực, tay mình phải giật nhẹ liên tục để tôm nhựa búng nhảy như tôm thật, đánh lừa những con mực háu ăn. Râu mực mềm nhưng bám rất chặt nên khi dính vào chùm lưỡi câu là chắc cú”.
Có tài lẻ nhưng xem ra đường tình duyên lại khá lận đận, nên đã quá “băm”, anh vẫn lính “phòng không” dù đã được người thân, đồng đội mai mối nhiều đám mãi đến khi gặp Phan Thị Kim Liên, công nhân dệt may người dễ thương như cái tên, anh mới tìm được bến đỗ cuộc đời. Năm 2006, anh chị làm lễ cưới. Quê nội ở Hải Dương, quê ngoại ở Thanh Hóa, hai vợ chồng đã trải qua những năm tháng gian truân, nhất là khi các con còn nhỏ. Bây giờ, mỗi lần chàng lính đảo được nghỉ phép luôn là ngày hội của các thành viên trong gia đình. Dẫu điều kiện vật chất chưa đủ đầy nhưng anh chị luôn mãn nguyện vì đã có nhau trong đời.
Vượt sóng gió đến với nhau
Chuyện tình của chàng máy trưởng - Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Ngọc Thành cũng có “cái kết” như ý. Khác với nhiều bạn gái trước, khi nghe anh thông báo làm việc ở đảo, cô sinh viên đang học cao đẳng kinh tế Trần Thị Thu càng quý mến anh hơn. Cô có thể ngồi hàng giờ nghe anh kể về tình quân dân sâu đậm trên đảo, nhất là trong những ngày biển động, khi thiên tai ập đến. Và trong chuyến cùng anh ra thăm đảo, cô càng thêm yêu và tự hào về người lính dạn dày sóng gió. Sau hai năm tìm hiểu là một đám cưới giản dị. Chú rể lúc này đã bước sang tuổi 35. Hiện tại còn phải ở nhà thuê, con còn thơ bé, vợ chưa có việc làm, chồng có khi cả tháng mới về nhà một lần, song cả gia đình luôn tin tưởng vào một tương lai tươi đẹp phía trước.
Với Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Vũ Văn Đề, nhân viên lái máy tàu của Trung đội vận tải thủy từ 1997 đến 2007, chẳng rõ vì điều kiện công tác hay bởi duyên số, đến 33 tuổi (năm 2007) anh mới se duyên cùng Nguyễn Thị Hải Vân, cô công nhân Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang. Hiện anh đã về đất liền công tác, làm nhân viên đội chiếu phim của Ban Tuyên huấn Phòng chính trị Bộ CHQS tỉnh Khánh Hòa nhưng những kỷ niệm với Hòn Tre luôn sâu đậm, khó quên. Anh tâm sự: Mười năm công tác ở đảo đã rèn cho tôi nghị lực vượt lên mọi gian truân trong cuộc sống. Cũng chính quãng thời gian ấy đã thử thách và nhân lên tình yêu của chúng tôi, giúp tôi luôn biết trân trọng, nâng niu những gì mình đang có. Mỗi lần có dịp ra đảo, tôi luôn có cảm giác ấm áp như được trở về quê hương mình. Hèn chi nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn”.
“Mười năm công tác ở đảo đã rèn cho tôi nghị lực vượt lên mọi gian truân trong cuộc sống. Cũng chính quãng thời gian ấy đã thử thách và nhân lên tình yêu của chúng tôi, giúp tôi luôn biết trân trọng, nâng niu những gì mình đang có. Mỗi lần có dịp ra đảo, tôi luôn có cảm giác ấm áp như được trở về quê hương mình. Hèn chi nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn”.
Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Vũ Văn Đề
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét