Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

Sát thủ tàng hình B-21 Mỹ được mang tên 'Kẻ tập kích'

Hình vẽ phác thảo oanh tạc cơ tàng hình B-21 thế hệ 5 của Mỹ. Ảnh: USAFHình vẽ phác thảo oanh tạc cơ tàng hình B-21 thế hệ 5 của Mỹ. Ảnh: USAF
Không quân Mỹ đã công bố tên gọi chính thức của oanh tạc cơ tàng hình tương lai B-21 là Raider (Kẻ tập kích), Military hôm 19/9 đưa tin.

Tại hội nghị Hàng không, Vũ trụ và Không gian mạng của Hiệp hội Không quân Mỹ diễn ra hôm qua tại National Habor, bang Maryland, đích thân Bộ trưởng Không quân Mỹ đã đưa mời trung tá Richard E. Cole, cựu binh 101 tuổi từng tham gia Thế chiến II, lên công bố tên gọi của chiếc oanh tạc cơ thế hệ 5 mới.

Ngày 18/4/1942, Cole cùng trung tá James Doolittle đã dẫn đầu đội hình 16 oanh tạc cơ B-25 thực hiện chiến dịch tập kích đường không "Doolittle Raider" tấn công các nhà máy và căn cứ quân sự phát xít Nhật quanh thủ đô Tokyo để trả đũa cho trận Trân Châu Cảng.

Tên gọi "Raider" được lựa chọn cho oanh tạc cơ tấn công tầm xa B-21 sau khi lãnh đạo không quân Mỹ phát động một cuộc khảo sát đặt tên trong lực lượng. Chỉ trong ba tháng, Không quân Mỹ đã nhận được tổng cộng hơn 4.600 đề xuất tên gọi cho mẫu máy bay ném bom tàng hình thế hệ mới này.

B-21 Raider có chi phí phát triển 23,5 tỷ USD. Không quân Mỹ dự kiến mua 100 chiếc B-21 từ nhà thầu Northrop Grumman với giá thành mỗi chiếc khoảng 564 triệu USD để thay thế cho oanh tạc cơ B-52 và một phần oanh tạc cơ B-1. "Kẻ tập kích" có thể sẽ được đưa vào biên chế Không quân Mỹ trong năm 2025.

Đọc tiếp »

Tàu chiến tối tân của Mỹ trục trặc sau 3 ngày hoạt động

Tàu USS Montgomery (LCS-8) chạy thử nghiệm vào tháng 5/2016. Ảnh: Military.Tàu USS Montgomery (LCS-8) chạy thử nghiệm vào tháng 5/2016. Ảnh: Military.

Diplomat dẫn thông báo của Hải quân Mỹ cho hay, tàu tác chiến cận bờ (LCS) lớp Independence USS Montgomery ngày 13/9 đã phát sinh hai lỗi động cơ trong vòng 24 giờ khi đang đi từ Mobile, Alabama tới cảng đồn trú ở San Diego. Sự cố này khiến tàu phải bỏ dở hành trình và trở lại Florida để sửa chữa khẩn cấp.

“Sự cố đầu tiên xảy ra khi thủy thủ đoàn phát hiện một lỗ rò rỉ trong hệ thống làm mát thủy lực. Ngày hôm sau, tàu Montgomery tiếp tục gặp trục trặc với một động cơ tua-bin khí”, thông báo của Hải quân Mỹ cho biết thêm.

Trên thực tế, cấu trúc động cơ của LCS cho phép tàu này làm việc ở nhiều chế độ khác nhau, tuy nhiên với hai sự cố khiến cho cả hai cần trục không thể hoạt động thì lựa chọn tốt nhất là đưa nó về cảng Mayport ở Florida để sửa chữa.

Theo Military, sự cố hỏng hóc của tàu USS Montgomery xảy ra sau một loạt trục trặc trước đó của các tàu tác chiến cận bờ của Hải quân Mỹ. Đây là chiếc LCS thứ 5 phát sinh vấn đề trong vòng một năm trở lại đây và là chiếc thứ 3 gặp trục trặc nghiêm trọng về động cơ trong vòng 3 tuần qua. Trước đó, các tàu USS Coronado (LCS-4) và USS Freedom (LCS-5) cũng gặp lỗi động cơ và phải ngừng hoạt động.

Đọc tiếp »

Giúp dân khắc phục hậu quả sau mưa lũ

Cán bộ chiến sỹ Bộ CHQS tỉnh Nghệ An gặt lúa giúp nhân dân xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên.Cán bộ chiến sỹ Bộ CHQS tỉnh Nghệ An gặt lúa giúp nhân dân xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên.

Cứu lúa cho dân

Sau những trận mưa như trút do hoàn lưu bão số 4, thời gian qua, xã Hưng Đạo (huyện Hưng Nguyên) bị ngập rất nhiều diện tích lúa vụ hè thu sắp đến ngày thu hoạch. Trong đó, cánh đồng xóm 6 là một trong những điểm bị ngập nặng nhất. Lúa chín bị ngâm trong nước đã mấy ngày, nhiều hạt đã mọc mầm, nếu không thu hoạch kịp coi như mất trắng. Được tin, có cán bộ, học viên Trường quân sự tỉnh đến giúp đỡ nhân dân thu hoạch lúa bị ngập lụt, bà con rất vui. Từ sáng sớm, bà con nhân dân đã tập trung phương tiện và dụng cụ để cùng các chú bộ đội gặt lúa giúp dân.

Dù trời đã có nắng, nước đã rút bớt, nhưng cánh đồng xóm 6 lúa vẫn ngập dưới mặt nước chừng 20 đến 30cm. Nước ngập đến ngực người nên cán bộ, học viên và người dân phải dùng thuyền và xuồng nhỏ để vận chuyển lúa vào bờ. Nhìn những bó lúa được các chú bộ đội gặt và dùng thuyền đẩy lên, xếp ngay ngắn bên vệ đường, chị Nguyễn Thị Vinh, xóm 6, xã Hưng Đạo phấn khởi cho biết: “Nhà tôi có gần 2 sào lúa bị ngập, hôm nay có các chú bộ đội đến thu hoạch kịp thời, gia đình tôi cảm ơn các chú bộ đội rất nhiều”.

“Sau khi mưa lũ xảy ra, trong những ngày qua, đơn vị đã điều động cán bộ, chiến sỹ các cơ quan, đơn vị luôn bám sát địa bàn, thấy địa phương nào gặp khó khăn, phải kịp thời cử lực lượng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả do mưa lũ.

Thượng tá Thái Đức Hạnh, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Nghệ An

Trong đợt mưa này, xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên cũng là một trong những địa bàn bị ngập nặng. Ngay sau khi khảo sát, nắm bắt tình hình, Bộ CHQS tỉnh đã điều động cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 764, Đội quy tập và Ban CHQS huyện đến cùng nhân dân gặt lúa. Nước trên cánh đồng đã rút bớt, nhưng hậu quả để lại là những ruộng lúa bị gió lốc đánh bạt, nằm đổ rạp xuống nước và bùn. Đơn vị phân công cán bộ, chiến sỹ về lao động trực tiếp cùng từng gia đình.

Chị Nguyễn Thị Lĩnh, xóm 4, xã Hưng Trung cho biết: “Sau đợt mưa, tôi có hơn 2 sào lúa bị đổ và ngập trong nước. Nhà neo đơn, nên hôm nay được các chú bộ đội tỉnh về giúp thu hoạch, bà con giáo dân xóm 4 vui lắm, phấn khởi lắm, muốn được các chú về giúp nhiều lần nữa mỗi khi gặp khó khăn…”.

Đại tá Vương Kim Hải, Chủ nhiệm Chính trị tay thoăn thoát gặt lúa cùng cán bộ, chiến sỹ và nhân dân chia sẻ: “Mình sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em trên quê lúa huyện Yên Thành, phải lao động từ nhỏ nên những công việc nhà nông, mình vẫn còn làm tốt”.

Khắc phục hậu quả lũ quét

Thượng tá Thái Đức Hạnh, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Nghệ An cho biết, sau khi mưa lũ xảy ra, trong những ngày qua, đơn vị đã điều động cán bộ, chiến sỹ các cơ quan, đơn vị luôn bám sát địa bàn, thấy địa phương nào gặp khó khăn, phải kịp thời cử lực lượng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả do mưa lũ.

Theo thượng tá Hạnh, thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy Quân sự tỉnh, cán bộ, chiến sỹ Ban CHQS huyện Quỳ Châu đã tập trung lực lượng giúp bà con nhân dân xã Châu Hội nạo vét bùn đất, làm vệ sinh môi trường… sau cơn lũ quét gây hậu quả nặng nề. Ban CHQS huyện Nghi Lộc điều động cán bộ, chiến sỹ giúp nhân dân xã Nghi Vạn lợp lại nhà cửa bị hư hỏng nặng do lốc xoáy. Ban CHQS huyện Tương Dương điều động cán bộ, chiến sỹ bám sát địa bàn và tập trung giúp đỡ các xã bị thiệt hại nặng như Yên Tĩnh, Yên Hòa, Lưu Kiền, Lượng Minh…

Ngoài ra, Đảng ủy Quân sự tỉnh còn chỉ đạo lực lượng dân quân tự vệ phối hợp cùng công an bảo vệ ở các đập tràn, cầu, điểm giao thông quan trọng bị ngập lụt, chia cắt để đảm bảo an toàn giao thông cho người dân. Đồng thời huy động lực lượng giúp nhân dân làm vệ sinh thôn bản, vệ sinh trường học, trạm y tế, dựng lại nhà cửa sau lũ…

Những hoạt động thiết thực, hiệu quả của cán bộ, chiến sỹ Bộ CHQS tỉnh trong những ngày qua đã góp phần giúp nhân dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An khắc phục hậu quả lũ lụt, góp phần gắn kết tình quân dân và tô thắm thêm hình ảnh đẹp anh “Bộ đội Cụ Hồ” trên quê hương Bác Hồ kính yêu.

Đọc tiếp »

Siêu điệp viên quyền lực chỉ đứng sau Thủ tướng Ấn Độ

Ajit Doval, người được mệnh danh James Bond của Ấn Độ. Ảnh: India Times.Ajit Doval, người được mệnh danh James Bond của Ấn Độ. Ảnh: India Times.

Ông dành 7 năm hoạt động ngầm tại Pakistan, tuyển mộ cả những tay súng phiến quân làm người truyền tin cho mình ở khu vực tranh chấp Kashmir và từng cải trang thành người kéo xe để trà trộn vào một nhóm chiến binh Sikh ẩn náu bên trong đền thờ linh thiêng nhất Ấn Độ. Ông là Ajit Doval, người được mệnh danh siêu điệp viên góp phần thay đổi bộ mặt tình báo Ấn Độ, người quyền lực thứ hai đất nước, chỉ xếp sau Thủ tướng Narendra Modi.

Siêu điệp viên

Theo Zee News, từ khi Thủ tướng Modi chỉ định Ajit Doval làm Cố vấn An ninh Quốc gia (NSA), một vị trí nắm nhiều quyền hành hơn cả bộ trưởng quốc phòng lẫn bộ trưởng ngoại giao, nhiều câu chuyện ly kỳ về ông bắt đầu xuất hiện.

Hồi tháng 7/2014, ông tham gia một nhiệm vụ bí mật, đích thân bay đến Iraq để giải cứu 46 y tá người Ấn Độ cùng 39 đàn ông đang bị mắc kẹt ở Tikrit và Mosul, hai thành phố nằm dưới kiểm soát của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS). Dù lên đường mà không hề nắm bất kỳ thông tin tình báo nào về việc ai đang bắt giữ họ và vì sao nhưng sau khi liên hệ với một loạt đầu mối và nỗ lực thương thuyết, ông đã hoàn thành nhiệm vụ, đưa các công dân Ấn Độ về nước an toàn.

Theo NDTV, Doval được nhiều người ví như siêu điệp viên James Bond bởi hàng loạt thành tích đáng nể. Những năm 1980, khi còn là một quan chức tầm trung tại Cục Tình báo, ông giấu danh tính và gia nhập Mặt trận Quốc gia Mizo (MNF), một tổ chức chuyên phát động các phong trào nổi dậy chống chính quyền Ấn Độ lúc bấy giờ. Doval nhanh chóng thu phục hơn một nửa chỉ huy hàng đầu của MNF, ngấm ngầm phá hoại tổ chức từ bên trong, qua đó buộc thủ lĩnh MNF phải đầu hàng.

Một trong những thành tựu nổi bật nhất của Doval là chiến dịch quân sự hồi năm 1988, quét sạch các tay súng ly khai Sikh khỏi Đền Vàng ở thành phố Amritsar, tây bắc Ấn Độ.

Năm 1984, quân đội Ấn Độ từng mở chiến dịch tấn công ngôi đền, khiến hàng trăm binh sĩ và người hành hương thiệt mạng. Vụ việc kích động một làn sóng giận dữ trong cộng đồng người Sikh khắp thế giới và là nguyên nhân dẫn tới vụ ám sát thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi, người ra lệnh thực hiện cuộc đột kích.

Theo Karan Kharb, sĩ quan quân đội về hưu, người từng là thành viên Lực lượng An ninh Quốc gia, Doval đã giả làm người kéo xe để có thể bước chân vào ngôi đền. Ông sau đấy thuyết phục các tay súng ẩn náu tại đây rằng mình là đặc vụ Pakistan đến để hỗ trợ họ hoàn thành mục tiêu thiết lập một quốc gia độc lập mang tên Khalistan. Khi đã chiếm được lòng tin, ông từ từ thu thập thông tin tình báo cung cấp cho chính quyền để mở cuộc tấn công truy quét quyết định.

Thân tín của Thủ tướng

Giới quan sát đánh giá Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Cố vấn An ninh Quốc gia Ajit Doval có chung chí hướng ở rất nhiều lĩnh vực. Cả hai cùng muốn đẩy mạnh chống khủng bố, tập trung hơn vào các tình huống an ninh nội bộ, nâng cao năng lực hoạt động bí mật của Ấn Độ, đồng thời thúc đẩy những chính sách ngoại giao, quốc phòng cứng rắn.

Với dáng người thấp, mái tóc ngắn và thường xuyên đeo kính, ông Doval hay né tránh báo chí và rất hiếm khi xuất hiện trước công chúng. 6 người quen biết ông lâu năm cho hay Doval đang giám sát những vấn đề ngoại giao nhạy cảm nhất của Ấn Độ.

Không trang web chính thống nào của chính phủ chứa thông tin về ông. Theo bản tiểu sử tóm lược mà Doval đưa ra trong một bài giảng ở Mumbai hồi tháng 8 năm ngoái, ông sinh năm 1945 tại Garhwal, một khu vực ở phía bắc Ấn Độ, nay gọi là Uttarakhand.

Không lâu sau khi nhậm chức, Thủ tướng Modi đã cử Doval dẫn đầu một đoàn đặc phái viên đến Afghanistan và đưa Cố vấn An ninh Quốc gia đi cùng trong chuyến công du đầu tiên tới Bhutan. Doval cũng là đại diện đặc biệt của Ấn Độ chịu trách nhiệm thảo luận với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp biên giới.

Hồi tháng 12 năm ngoái, Doval còn đích thân bay tới Bangkok để bí mật gặp gỡ người đồng cấp Pakistan trong một nỗ lực nhằm nối lại các cuộc đàm phán hòa bình giữa hai nước.

Đọc tiếp »

Máy bay do thám Mỹ rơi, phi công thiệt mạng

Phi cơ U-2 Mỹ bay huấn luyện. Ảnh: US Air Force.Phi cơ U-2 Mỹ bay huấn luyện. Ảnh: US Air Force.

Phi cơ rơi vào khoảng 9h00, ngay sau khi cất cánh tại khu vực không dân cư ở Sutter, phía bắc thành phố Sacramento, thủ phủ bang California,AFP dẫn thông báo từ Không quân Mỹ cho biết. Lực lượng này ban đầu nói hai phi công thoát hiểm an toàn, sau đó xác nhận một người thiệt mạng.

Phi cơ gặp nạn là U-2, thuộc Phi đội Trinh sát Số 1 tại căn cứ không quân Beale. Tristan Viglianco, người phát ngôn căn cứ Beale, nói chưa rõ phi công thiệt mạng trong quá trình vọt ra khỏi phi cơ hay sau đó.

U-2 được thế giới chú ý đến lần đầu tiên vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi một phi cơ do thám bí mật này do Gary Powers điều khiển bị bắn hạ trên lãnh thổ Liên Xô. Powers ngồi tù tại Liên Xô trong 21 tháng trước khi được trả tự do về Mỹ theo một chương trình trao đổi tù nhân.

Không quân Mỹ đang sử dụng 33 chiếc U-2, trong đó 5 chiếc có hai chỗ ngồi để bay huấn luyện.

Đọc tiếp »

Mỹ bất ngờ thu hồi 10 siêu chiến đấu cơ F-35

Ảnh: US NavyẢnh: US Navy

Theo CNN, 10 chiếc F-35 bị thu hồi chỉ một tháng sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo về khả năng sẵn sàng chiến đấu của chiến đấu cơ thế hệ thứ năm này.

Hãng CNN dẫn các chuyên gia quân sự Mỹ cho biết, họ đã phát hiện ra lớp cách ly trong hệ thống làm mát các thùng nhiên liệu của F-35 bị bong ra và bắt đầu vỡ vụn.

Đáng chú ý, lỗi này bị phát hiện ở 57 tiêm kích, 15 trong số đó đã được đưa vào trang bị, số còn lại còn chưa rời dây chuyền sản xuất.

“Chúng tôi đang tiến đến gần việc hoàn tất chương trình trang bị, F-35 vẫn còn đang được hoàn thiện, vì vậy sự xuất hiện những vấn đề là điều có thể dự kiến”, CNN dẫn nguồn tin cho biết.

Trước đó khoảng 1 tháng, đầu tháng 8/2016, có tin đơn vị đầu tiên trang bị tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35A của không quân Mỹ đã đạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Theo đó, phi đội tiêm kích 34 của Phi đoàn tiêm kích 388 đã được công nhận là sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu với máy bay mới, kể cả không chiến và tấn công mặt đất.

F-35 Lightning II là họ máy bay tiêm kích đa năng tàng hình tiên tiến thế hệ năm do Lockheed Martin phát triển từ năm 2001 theo chương trình Tiêm kích tiến công liên quân JSF (Joint Strike Fighter).

Tiêm kích này được sản xuất theo ba biến thể: A (cất/hạ cánh thông thường dành cho USAF), B (cất cánh đường băng ngắn/hạ cánh thẳng đứng dành cho Thủy quân lục chiến Mỹ) và C (tiêm kích trê hạm dành cho không quân Hải quân Mỹ).

Đọc tiếp »

Những mối tình vượt sóng gió

Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Vũ Văn Đề hạnh phúc trong ngày cưới.Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Vũ Văn Đề hạnh phúc trong ngày cưới.

Mãn nguyện vì có nhau trong đời

Ngày thường, trời yên biển lặng, ra đảo Hòn Tre cứ như đi du ngoạn sinh thái. Nhưng khi mưa bão, giao thông cách trở, đảo bỗng như xa tít tắp. Ra đảo lần này, chúng tôi đến với những người lính thuộc Trung đội vận tải thủy (Đại đội 90, Bộ CHQS tỉnh Khánh Hòa) và nghe kể về những mối tình của họ. Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Xuân Cương, nhân viên lái tàu, đến nay đã có 18 năm gắn bó với Hòn Tre. Công tác ở đảo từ tháng 9/1998 khi còn mang quân hàm hạ sĩ và “cắm chốt” đến tận bây giờ. Thân thiết với vùng đất này đến độ, anh thuộc lòng từng con dốc, hàng cây, mái nhà, ghe thuyền, gương mặt những người dân chài dãi dầu sóng gió…

Tôi theo anh Cương đi câu khi phát hiện người lính này là một tay sát mực có tiếng. Quả vậy, chỉ cần một cuộn dây cước dài, gắn vào lưỡi câu chùm, với mồi là một con tôm nhựa bằng ngón tay trỏ có màu sắc xanh sặc sỡ, hơn tiếng đồng hồ đi câu, anh có thể mang về cả rổ mực tươi sống đãi đồng đội. Anh chia sẻ: “Khi câu mực, tay mình phải giật nhẹ liên tục để tôm nhựa búng nhảy như tôm thật, đánh lừa những con mực háu ăn. Râu mực mềm nhưng bám rất chặt nên khi dính vào chùm lưỡi câu là chắc cú”.

Có tài lẻ nhưng xem ra đường tình duyên lại khá lận đận, nên đã quá “băm”, anh vẫn lính “phòng không” dù đã được người thân, đồng đội mai mối nhiều đám mãi đến khi gặp Phan Thị Kim Liên, công nhân dệt may người dễ thương như cái tên, anh mới tìm được bến đỗ cuộc đời. Năm 2006, anh chị làm lễ cưới. Quê nội ở Hải Dương, quê ngoại ở Thanh Hóa, hai vợ chồng đã trải qua những năm tháng gian truân, nhất là khi các con còn nhỏ. Bây giờ, mỗi lần chàng lính đảo được nghỉ phép luôn là ngày hội của các thành viên trong gia đình. Dẫu điều kiện vật chất chưa đủ đầy nhưng anh chị luôn mãn nguyện vì đã có nhau trong đời.

Vượt sóng gió đến với nhau

Chuyện tình của chàng máy trưởng - Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Ngọc Thành cũng có “cái kết” như ý. Khác với nhiều bạn gái trước, khi nghe anh thông báo làm việc ở đảo, cô sinh viên đang học cao đẳng kinh tế Trần Thị Thu càng quý mến anh hơn. Cô có thể ngồi hàng giờ nghe anh kể về tình quân dân sâu đậm trên đảo, nhất là trong những ngày biển động, khi thiên tai ập đến. Và trong chuyến cùng anh ra thăm đảo, cô càng thêm yêu và tự hào về người lính dạn dày sóng gió. Sau hai năm tìm hiểu là một đám cưới giản dị. Chú rể lúc này đã bước sang tuổi 35. Hiện tại còn phải ở nhà thuê, con còn thơ bé, vợ chưa có việc làm, chồng có khi cả tháng mới về nhà một lần, song cả gia đình luôn tin tưởng vào một tương lai tươi đẹp phía trước.

Với Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Vũ Văn Đề, nhân viên lái máy tàu của Trung đội vận tải thủy từ 1997 đến 2007, chẳng rõ vì điều kiện công tác hay bởi duyên số, đến 33 tuổi (năm 2007) anh mới se duyên cùng Nguyễn Thị Hải Vân, cô công nhân Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang. Hiện anh đã về đất liền công tác, làm nhân viên đội chiếu phim của Ban Tuyên huấn Phòng chính trị Bộ CHQS tỉnh Khánh Hòa nhưng những kỷ niệm với Hòn Tre luôn sâu đậm, khó quên. Anh tâm sự: Mười năm công tác ở đảo đã rèn cho tôi nghị lực vượt lên mọi gian truân trong cuộc sống. Cũng chính quãng thời gian ấy đã thử thách và nhân lên tình yêu của chúng tôi, giúp tôi luôn biết trân trọng, nâng niu những gì mình đang có. Mỗi lần có dịp ra đảo, tôi luôn có cảm giác ấm áp như được trở về quê hương mình. Hèn chi nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn”.

“Mười năm công tác ở đảo đã rèn cho tôi nghị lực vượt lên mọi gian truân trong cuộc sống. Cũng chính quãng thời gian ấy đã thử thách và nhân lên tình yêu của chúng tôi, giúp tôi luôn biết trân trọng, nâng niu những gì mình đang có. Mỗi lần có dịp ra đảo, tôi luôn có cảm giác ấm áp như được trở về quê hương mình. Hèn chi nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn”.

Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Vũ Văn Đề

Đọc tiếp »